Gãy xương sau thay khớp háng

Gãy xương sau mổ thay khớp háng là một biến chứng nặng nề, thông thường phải can thiệp bằng phẫu thuật. Biến chứng này có thế gặp ngay trong quá trình phẫu thuật, nhưng chủ yếu xẩy ra một thời gian sau mổ. Tuy xác suất là thấp nhưng do số lượng bệnh nhân mổ thay khớp háng ngày càng nhiều nên biến chứng này vẫn thường bắt gặp trên lâm sàng.

Khớp háng nhân tạo

Gẫy xương chủ yếu xảy ra tại thân xương đùi, là phần xương bao quanh chuôi khớp kim loại. Gãy xương tại ổ cối (quanh Cup) rất hiếm.

Việc điều trị gặp nhiều thách thức vì tuổi bệnh nhân thường đã già, thành xương mỏng, loãng xương, cùng nhiều yếu tố khác.

Nguyên nhân

Phần lớn là do ngã. Biến chứng này cũng có thể xẩy ra sau một lực tác động mạnh, trực tiếp vào đùi gần khớp như tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt.v.v…Có khi gãy xương chỉ xẩy ra sau một chấn thương nhẹ do tình trạng loảng xương.

Một số yếu tố thuận lợi làm tăng khả năng gãy xương sau thay khớp háng như: chất lượng xương kém (loãng xương nặng); bệnh nhân dễ ngã như liệt, yếu chân, thị lực kém; lỏng chuôi khớp nhân tạo.

Lỏng chuôi là điển hình của quá trình hỏng khớp nhân tạo sau một thời gian sử dụng, là hệ quả của quá trình hoạt động của người bệnh và những biến đổi sinh học tại xương do quá trình tiếp xúc giữa xương với kim loại, gọi là tiêu xương. Đây là điểm yếu dễ gãy, thường chỉ cần một ngã nhẹ cũng có thể gây ra gãy xương.

Biểu hiện lâm sàng

Biểu hiện lâm sàng thường thấy của gãy xương sau thay khớp háng:
• Đau xung quanh khớp háng hoặc quanh đầu trên đùi
• Sưng nề, bầm tím quanh háng, đùi
• Giảm hoặc mất vận động chân bên gãy
• Chân biến dạng hoặc ngắn hơn bên lành

Gãy xương sau thay khớp háng
Gãy xương sau thay khớp háng


Xquang: chụp Xquang khung chậu và thân xương đùi sẽ thấy được vị trí, tính chất gãy xương, chất lượng xương và tình trạng khớp.

Điều trị

Hầu hết gãy xương sau thay khớp phải phẫu thuật. Để quyết định và đưa ra một kế hoặch phẫu thuật hợp lý, phẫu thuật viên cần phải đánh giá dựa trên nhiều yếu tố như vị trí, tính chất của gãy xương, tình trạng loãng xương, có lỏng chuôi kèm theo hay không, và tình trạng sức khỏe chung của người bệnh.

Một số phương pháp phẫu thuật có thể được áp dụng:

• Mổ mở và dùng các phương tiện kết hợp xương bên trong (nẹp vít, chỉ thép)
• Thay lại khớp háng với chuôi mới dài hơn chuôi cũ.
• Phối hợp thay lại khớp chuôi dài và kết hợp xương

Nếu chuôi vẫn bám chặt vào ống tủy xương đùi: nên kết hợp xương bằng nẹp, vít, có thể phối hợp chỉ thép. Một số trường hợp cần thiết phải ghép xương, kích thích liền xương.

Nếu gãy thân xương đùi kèm theo lỏng chuôi: thay lại chuôi mới có cấu tạo chuyên biệt, dài hơn. Ghép xương khi chất lượng xương kém hoặc khuyết xương.

Vận động sau mổ

Sau mổ, tập vận động càng sớm càng tốt, nhất là người già. Phẫu thuật viên sẽ chỉ dẫn khi nào thì bệnh nhân có thể tập vận động chân bên mổ, mức động độ tỳ chân, thời gian thay đổi bài tập, bác sĩ phục hồi chức năng sẽ hướng dẫn từng bài tập phù hợp.

Thông thường sau mổ, bệnh nhân phải đeo nẹp chân trong nhiều tuần để bảo vệ ổ gãy, tạo sự liền xương. Để đi lại được bằng chân gãy phải mất nhiều tháng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến